Nguyệt San Số 7


Ñöøng Lôû, Soâng Ôi.
Tác giả: Huỳnh Thạch Thảo
Thể loại: Truyện ngắn   

     Chiếc xe ngựa lọc cọc chạy đều qua từng con đường hun hút tre xanh. Thỉnh thoảng bóng nắng chiếu rọi khi xe vượt qua trảng đất trống sót lại vài thân bắp qua mùa thu hoạch. Tôi che miệng ngáp dài, mắt ngước nhìn ra xa, nơi bờ sông bị che khuất bởi các cụm ô rô, bìm bìm thỉnh thoảng có đợt gió tràn đến cho chút hơi mát trong tiếng xe lọc cọc chạy đều. Đang thiêm thiếp ngủ, tôi giật mình khi người xà ích giơ roi quất vào không khí kèm tiếng hét “hầy” lúc vượt sang đoạn đường lỗ chỗ đất đá, những đoạn cua khúc khuỷu đầy dấu chân trâu.
     Hôm qua, thằng Quang về làng. Lúc trở vô, nó vội đến cơ quan tôi, gõ cửa phòng họp, nháy tôi ra ngoài: “Này, ông về gấp. Bao lâu chưa đặt chân lại chốn cũ?”. Tôi xòe tay, nó trố mắt ngẩn người, lắc đầu: “Bốn năm, hèn gì ông cụ ngóng mãi. Thôi, lo sắp xếp mà về. Cứ đi khắc biết, nhưng buồn lắm…”. Chiều, tôi vội lên tàu, để hôm sau thêm chặng đường về chợ Mới kịp đón chuyến xe ngựa cuối buổi chỉ có vài người và tôi là hành khách cuối cùng ở ngã ba sông.
- Đến nơi rồi chú, nhưng không thể đi đò qua bến Sấu. Mà sao là bến Sấu? Bến Lở chớ… Chú cứ đi qua doi cát bồi, vượt thêm chặng nữa thì đến.
     Lạ. Trước đấy bốn năm, đường về bến Lở phải thêm chuyến đò ngược, vậy mà bây giờ phải lội bộ.
     Làng tôi xưa kia là vùng đất bồi. Bến Sấu đã có từ lâu, lúc mà phía thượng nguồn nơi rừng thiêng nước độc, vùng của cọp núi Lá cá Sông Hinh ít chân người đặt đến. Sấu thường lần mò bơi về các thôn xóm bên dưới lúc trời chạng vạng, thân dài như thuyền độc mộc, như cây gỗ mục bị đốn dập dờn trôi áp vào các bến nước. Gặp người, cây gỗ đen mun ấy đột nhiên lật mình chuyển động, rùng rùng xé nước theo vạch hình cánh cung lao đến để tợp. Trật, nó lặn mất tăm để lại bong bóng nước sủi bọt ngầu ngầu phù sa. Trúng, cả vùng dậy sóng, cả bến như chao đảo bởi tiếng hô, tiếng la, tiếng chân thình thịch đổ đến và lúc nào cũng thấy loang lổ máu.
     Năm động rừng lớn nhất. Mưa ngút ngàn trắng bãi, mưa như chưa bao giờ được mưa, như tấm thảm trắng che chắn mọi tầm nhìn. Dứt mưa, nước cuồn cuộn đổ về chảy phăng phăng quét sạch mọi vật cản. Làng cách vực sông khá xa tránh được lũ lớn. Bù lại, để tránh cá sấu theo nước mò về. Những thân tre đực chặt ngọn cắm dày các bến như tấm mành bủa cá. Trong buổi chiều chạng vạng, mặt trời khuất dần phía núi Lá chỉ còn hắt lên dải mây đọng trên đỉnh thành màu hồng nhạt, dưới chân thì tím biếc. Trong hoang vu ấy, chỉ có một cô gái còn lại nơi bến đang giặt nốt bộ đồ thì một thân gỗ lao đến đâm thẳng vào tấm mành. Tiếng răng rắc, tiếng nước xô oàm oạp, bóng sấu đã vượt qua vật chắn, quẫy đuôi định hướng xô vào. Cô gái hét lên, cuống cuồng quay người bỏ chạy. Người đầu tiên phát hiện tiếng động kỳ lạ trước cả cô gái là một thanh niên cắt cỏ ngựa đang tìm xuống bến. Anh vứt vội bó cỏ, tay nắm chặt câu liêm, đạp qua đám lau nhào đến. Con sấu hất tung thau đồ, vạch nước hình cánh cung ập mạnh vào cạnh đôi chân trần trắng muốt đã lên sát mé bờ. Nó chồm đến chụp hụt, lại ngẩng đầu há mỏm tua tủa răng nhọn như lưỡi cưa dân sơn tràng rà theo. Chành thanh niên vừa đến, sững người lúc thấy cô gái trượt chân, ngã nhào cùng đôi hàm con sấu bập xuống. Anh gầm lên, ánh thép từ lưỡi câu liêm loang loáng xẻ dọc, quạt ngang để đến lúc mọi người có mặt thì cô gái đã chết, con sấu bị rạch tan tành, quả tim đỏ bầm bị bóp nát trong đôi tay như cặp hàm thiếc cứng đờ cùng thân hình tả tơi của chàng thanh niên có đôi mắt rực lửa. Bến Sấu có tên từ đó. Và bà tôi kể lại, anh thanh niên ấy là chú tôi đã hẹn hò cùng cô gái làng nơi bến nước. Còn cha nói khác, chú tham gia hoạt động bị địch bắt tra tấn ngay bãi soi bên vực sông để tìm hầm bí mật chứ sấu siếc gì.
     Còn bến Lở thì có thật bởi lúc ấy có tôi. Con sông hai dòng chảy nhập thành một, còn làng Giấy cứ nống ra mãi vì dân số tăng lên. Bến Sấu thành bến đò Lò Giấy. Lúc tôi theo đò sang sông đi học, mùa hè gió Lào vượt dãy Trường Sơn trùng trùng tuôn xuống, tràn qua các trảng đồi nhấp nhô quét về khiến người cứ khô se, hừng hực nóng, gió miên man mà người hầm hập muốn tìm nước để nhúng. Mùa mưa đi học trong cái lạnh căm căm do gió bấc từ biển thốc ngược vào chân núi, phả cả hơi lạnh lên da thịt. Mà lũ về thì đứt đường, bọn học trò ở trọ để kịp chương trình nếu không muốn dở dang việc học.
     Cái năm lạm phát cấp phi mã, đồng bạc làm ra sôi cả máu mắt mà đi mua hàng phải đặt cả cọc. Tôi về nhà, bữa cơm gia đình chỏng chơ vài quả cà eo, trái mướp đắng bị ong đục tứa cả mủ vàng, tí cá khô mặn cha giăng lưới. Còn tất cả những gì tươi nguyên, lành lặn, mẹ gánh gồng vượt cồn ra chợ. Lúc ấy, đã nhiều đứa bỏ học. Tôi cũng lắc đầu để cha rút chiếc roi tre trên mái nhà dứ dứ trước mặt: “Đi, chỉ còn mình mày, nếu không muốn đứng sau đuôi bò…”. Cha dắt ra bến Lò Giấy, đặt lên mạn thuyền chú Sáu sách vở, bị gạo, chai mắm rồi đe thêm: “Cấm về, tao sẽ sang…”. Chuyến đò chỉ có mình tôi phải tách bến trong cái nóng hầm hập của gió Lào quét qua từng đợt.
     Tôi quay nhìn trở lại, cha cứ đứng trông theo rồi nhỏ dần, nhỏ dần cùng lũy tre làng.
     Những năm sau này làng dần ngói hóa, cuộc sống ổn định qua những lá thư cha gửi và hôm nay tôi lại đặt chân lên đất làng.
     Người đầu tiên tôi gặp là chú Sáu cà lết. Chú hấp háy mắt, cười cười: “Tao đoán mày về đường này nên đợi, hồi xưa…”. Tôi cười: “Dạ. Con tính đi đò nhưng người ta bảo còn bến đâu mà qua”. Chú nắm tay dẫn đi vòng sang các ruộng bắp trổ cờ, tạt sang rẫy mía lúc chiều dần buông, nắng le lói trên các vạt cỏ và gió thổi miên man trên từng chiếc lá, bóng chim nhát nghe động vụt lên, lên nữa rồi chao mình sang đám bắp khác. Vẫn cứ dáng đi khập khiễng, chú lại vượt tiếp bãi mía lúc tôi thấm mệt định nghỉ thì chú dang tay, ngoắc ngoắc cho tôi theo sang chỗ ngoặt. Trời ơi, tôi không thể tin nổi, cả một quãng sông đang xâm thực vào bờ, kéo dài ra, dài mãi đến ngút mắt, nước thì xâm xấp bởi đang mùa cạn nên lộ từng bờ đất nâu sẫm không chút cát mịn của sông. Từng đoạn, từng đoạn bị gặm nham nhở, lồi lõm, rách tướp như có hàm máy xúc khổng lồ bập vào rồi giật ra không thương tiếc.
     Chú Sáu thở dài: “Đó, sạt lở mãi. Cả làng ven sông phải chạy tránh đất sụp. Đâu như chú với ba cháu, hồi xưa…”. Tôi thẫn thờ bước lên gò cao nhìn về khúc eo nơi bờ cong dòng sông ngày cũ. Từng ngôi nhà cùng vườn tược giờ đây nước đã áp sát bên thềm, từng đoạn từng đoạn trơ trơ bùn đất. Chú Sáu kể, mới biết đợt lũ năm rồi nước về ào ạt kéo dài ngày, dòng sông không đủ sức chứa lại vặn mình sang bờ nam để tạo dòng chảy và giờ thì… Tôi hỏi trong chiều dần tắt: “Bến Lở đâu rồi chú?”. “Kia kìa, chỗ doi cát nhú lên có nước mấp mé đó”. Tôi gật đầu, choàng vai chú: “Mất tiêu luôn miếu thờ cô gái bị sấu vồ. Hỏi thiệt, chàng thanh niên ấy là chú phải không?”. Chú Sáu im lặng, một lúc sau nhỏ giọng: “Ừ, tao đó. Lỗi ở tao hẹn cổ nơi bến. Dù thân mình có tàn phế đến mấy cũng không hết nợ. Chứ ba thằng địch “dần” tao tìm hầm bí mật thì nhằm nhò gì, hồi xưa…”. Lại hồi xưa, xưa của chú nói bốn ngày chưa hết nên tôi vội cắt đường về nhà. Tiếng chú Sáu gọi với: “Hoàng, đi đường này, làm gì có ở đó mà cứ xăm xăm…”.
- À, mày về rồi hả, vô đây!
     Tôi vừa đặt chân vào thềm đã thấy cha đứng ở nơi cửa từ lúc nào. Căn nhà mới trong buổi chiều nhá nhem tối chập chờn cánh dơi bay, bức tường gạch chưa trát vữa sần sùi cùng các khung cửa cũ mốc thếch gợi lên hình ảnh buồn buồn, ảm đạm. Đặt vội cặp xách lấm lem bụi đường lên bàn học cũ thì một bóng người trờ tới. “Má”, tôi thốt nhỏ lúc bà nắm tay lắc lắc, cười cười, miệng mếu mếu, mái tóc đã bạc nhiều sau bốn năm tôi không về. Bàn tay ram ráp có mùi bùn đất đang rờ rẫm khắp người thì tiếng cãi vã của chú Sáu bên ngoài rồi bước chân nặng nề của cha đi vào:
- Thằng xã trưởng tôi còn bợp tai huống gì nó. Hoàng, nằm xuống. Bây giờ mày có lên chức gì nữa cũng đánh. Thằng thất học đánh đứa có học được chớ? Mày ăn cơm đất này, uống nước sông này, có chữ cũng nhờ làng này, sao lại trốn biệt. Đánh cho nhớ…
     Tôi gỡ tay má, riu ríu đi về phía bộ phản đen bóng dưới ánh đèn dầu lúc cha nhịp nhịp roi cày như thuở nhỏ bị phạt vì những trò nghịch ngợm.
- Anh Ba, cháu đã về, việc gì từ từ hẵng hay. Nó lớn tồng ngồng thế kia mà anh quất roi bò thì ra cái gì? Anh cứ như hồi xưa…
     Chú Sáu vào giằng chiếc roi ra khỏi tay cha, má thì bíu vội lấy vai tôi nói nhỏ: “Đi đi con, ra ngoài rửa mặt”.
     Tôi đứng bên lu nước tràn đầy ánh trăng khuyết, tai còn nghe văng vẳng tiếng nói vọng ra bên ngoài: “Có phải anh đã từng mong nó sớm trưởng thành ở cái làng heo hút này? Thì giờ nó phải lăn lộn với đời, hay là anh bảo nó khăn gói về cùng dòng sông nay thì lở, mai kia thì hạn, mốt không chừng nhấn chìm trong lũ, sướng không?”. Tiếng cha ngập ngừng: “Nó đi đâu thây kệ, nhưng phải biết đã nứt ra từ vạt sông này thì đừng bao giờ quên lãng, nhiều người được tin đã về, còn nó… Gia đình ta muối mặt với làng, chú thấy được không?”. Tiếng cha nhỏ hơn như chao theo ngọn đèn tù mù: “Tôi đâu có mong gì nó giúp đỡ, vả lại nó giúp được gì?”. Tôi bật khóc, khóc nức nở như chưa từng được khóc, hơn cả lúc chia tay từng đứa bạn vì sự lạm phát cấp phi mã mà bọn nó không thể học tiếp, hơn cả khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu, khoác lên mình chiếc áo thụng đỏ bước lên lễ đài trang trọng và có người sẵn sàng ký hợp đồng làm việc. Đom đóm đã lập lòe tụ hội nơi góc vườn để tôi thèm nghe tiếng cá quẫy, tiếng mái chèo khua nước, tiếng cười đùa nơi dòng sông vào mỗi mùa trăng. Giờ thì xa lắm, đã cách cả quãng đường dài mới đến, sông ơi!
     Đêm. Cha nằm trên võng làm bằng dứa bện, điếu thuốc đất giồng thỉnh thoảng lóe sáng. Hình như có tiếng thở dài nơi cánh võng rồi tiếng cha nhỏ giọng:
- Tao chỉ cần mày về để thắp nén nhang cho nội, cho bác hai, cho những người làng phải dời sang vùng đất mới. Rằng mày cũng có một quê hương, có một lọ sành mà chính tao chôn xuống nắm nhau của mày…
     Tiếng chó sủa đánh hực phía ngoài vườn chuối đang nhú mầm, nhưng tịnh không một bóng người. Có chăng, bầu trời đầy sao lấp lánh và tiếng cha trầm hơn.
- Rồi mày cứ đi, đi luôn cũng được, bởi chiếc lọ sành đó giờ cũng trôi theo sông lở, như mày…
     Và giọng nói của cha thấp hơn, buồn hơn chen trong tiếng kẽo kẹt võng đưa:
- Con phải nhớ lòng người rộng như dòng sông, nhưng nếu nó bị cắt nham nhở thì rất khó hàn kín…
     Tôi buồn buồn đứng lên, tiếng cha bật lên như quát:
- Mày qua con Lành hả? Khỏi, nó sắp lấy chồng, trầu cau đến ngõ rồi. À, mày là kỹ sư thì ở phố thiếu gì, bến này không còn sào cho mày cắm đâu!
- Không, con sang nhà cũ…
     Sau ba ngày về bên gia đình, tôi phải về thành phố. Chú Sáu tiễn một đoạn đường bên dòng sông lở. Bên kia sông, còn chìm trong sương là những vệt cây trải dài, thấp thoáng vài cánh buồm lặng lẽ xuôi dòng. Tôi đi đến mô đất cao để nhìn phía xa, bóng cha đứng nơi nào trong số người đang cần mẫn vun xới mảnh đất mới và dáng má nơi nào trong những chiếc nón cời ven soi đang bị xói mòn để thu vén những gì sót lại. Nắng đã lấp lóa, cát rin rít dưới chân trong gió vờn nhẹ. Trong bạt ngàn mênh mông kia, dọc theo triền sông này đã từng có những căn hầm bí mật mà bất cứ cuộc càn quét, bất cứ loại tăng xích nào cũng phải bất lực, vì dấu chân người khi vượt qua bãi cát được gió lẫn sóng phủ lấp và dấu chân tôi giờ đây, khi ra đi cũng được xóa sạch.
     Tôi đi về phía cha, nhìn dáng người gầy gầy, đầu cúi cúi đang lầm lũi bổ từng nhát cuốc, chân dậm lên đám cỏ thẳng hàng tăm tắp. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm bóng cha cứ in đậm trên những gò bãi sau khi cuộc chiến chấm dứt, sau cái ngày cha được tự do khỏa sóng nơi dòng sông quê hương không còn tiếng súng, chỉ còn những buổi chiều có nhiều mây trời trôi lang thang và hồng rực phía núi Lá. Đất và trời, hoa đồng cỏ nội đã khắc vào tâm khảm của cha, của má, của tất cả người thân trong ngôi làng bé nhỏ này quá nhiều kỷ niệm mà vượt qua được những bước ngoặt, cho dù vùng đất ấy thường xuyên bị thiên tai tàn phá; có những cơn gió Lào quét đến hừng hực và mùa mưa thì gió bấc tràn về tê tái. Tôi rơm rớm nước mắt khi nghĩ tí nữa đây, cha buông cuốc đi về ngôi nhà dựng tạm, không biết má có kịp về đun cho cha ấm nước. Đứa em gái thì ở bên kia sông, cùng chồng.
- Hoàng, lại đây con!
      Tôi bước qua mảnh đất ngai ngái mùi cỏ dại. Vầng trán cha đã in hằn những rãnh chân chim cùng mồ hôi lấm tấm, có chỗ thành vệt nước dài lăn dần xuống má. Cha dựng cuốc, cúi người lần tìm nơi túi áo lấy ra gói giấy. Bàn tay lại quệt nhanh qua mắt lần nữa mới rồi lần mở từng miếng vải trắng đã ố vàng. Bên trong là chiếc túi con có tấm bùa hộ mệnh mà khi nhỏ tôi thường đeo lủng lẳng trước ngực. Cha đặt nhẹ vào tay tôi.
- Của con, hãy cầm lấy. Dù nơi nào cũng được phù hộ…
     Tôi nắm vội bàn tay chai sần của cha, nghèn nghẹn:
- Sông sẽ không lở nữa, rồi con sẽ về thăm cha, cha ạ.
     Cha cười, gật đầu:
- Ừ. Lở hoài làm sao sống nổi. Đi đi con, đừng khóc…